Cứ đến ngày
19 tháng 5, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, chiến sĩ ai cũng muốn có
một món quà kính tặng Người. Nhưng với Bác Hồ, Người từng nói: “Món quà quý nhất
đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc” và chính vì thế, mỗi dịp
sinh nhật Bác là một lần chúng ta lại thấy sáng ngời đức tính giản dị, khiêm
nhường của con người vĩ đại ấy.
Bác Hồ thăm lớp mẫu giáo tại chiến khu Việt Bắc ngày 19/5/1953. Ảnh TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lúc nhỏ tên là Nguyễn
Sinh Cung, khi đi học tên Nguyễn Tất Thành, Hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn
Ái Quốc…) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại xã
Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, ở một đất nước thuộc địa, có nhiều dân tộc.
Trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, dân tộc ta đã
hình thành và phát triển nền văn hóa dân tộc rực rỡ, mà hạt nhân là chủ nghĩa
yêu nước, ý trí đấu tranh bất khuất, tinh thần nhân ái, khoan dung và ý thức cộng
đồng, đoàn kết dân tộc. Chính nền văn hóa ấy cùng với những ảnh hưởng
tích cực của văn hóa phương Đông đã hun đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh và góp phần
to lớn vào sự hình thành và sự phát triển tư tưởng của Người.
Chứng kiến sự thất bại trên con đường giải
phóng dân tộc của các vị yêu nước tiền bối và cảnh đời nô lệ của người dân
mất nước, dưới ách thực dân Pháp tàn bạo, tháng 6/1911, người thanh niên ưu tú
của dân tộc Việt Nam - Nguyễn Ái Quốc quyết chí ra đi tìm đường cứu nước trải
qua gần 10 năm bôn ba nhiều châu lục, gắn với phong trào công nhân và phong
trào giải phóng dân tộc, với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con
đường cứu nước và giải phóng dân tộc duy nhất đúng đắn.
Các chiến sỹ Điện Biên mừng sinh nhật Bác
19-5-1954. Ảnh tư liệu
Để tưởng nhớ công ơn của Bác, cả nước đang ra sức
thi đua lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ
Chí Minh vĩ đại - vị Cha già dân tộc, Người lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt
Nam, danh nhân văn hoá thế giới. Người cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải
phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc
cho nhân dân.
Là lãnh tụ tối cao, nhưng Bác Hồ luôn gần gũi
nhân dân. Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước
các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình. Vì Người sợ
tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của
nhân dân còn khó khăn, gian khổ. Vào những dịp sinh nhật mình,
Bác cũng thường viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, các cơ
quan đoàn thể trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm
thân thiết. Bác làm thơ nói về tuổi tác thay vì những lời cảm tạ. Mỗi bức thư,
mỗi dòng thơ tuy nói về ngày sinh của mình, nhưng lại là tình cảm, trách nhiệm
của Bác đối với non sông đất nước và đồng bào, đồng chí: "Trung với Ðảng,
hiếu với dân", và thể hiện đường lối lãnh đạo của Ðảng ta đối với sự nghiệp
cách mạng, của dân tộc ở trong từng thời điểm lịch sử.
Bác Hồ nhận hoa chúc thọ của đại biểu quân đội,
ngày 11-5-1969. Ảnh tư liệu
Tuy Bác đã đi xa, nhưng mỗi người dân Việt
Nam, bạn bè của nhân dân Việt Nam đều cùng chung một tình cảm: Bác Hồ không mất.
Bác Hồ vẫn đời đời sống cùng non sông, đất nước và bạn bè khắp nơi. Vì vậy, vẫn
như có Bác Hồ, hằng năm tới dịp tháng 5 là toàn thể nhân dân ở khắp các miền
quê Việt Nam, và cả bạn bè năm châu vẫn nô nức tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của
Bác Hồ. Ôn lại những bài học quý giá, những việc làm trong sáng của Người trong
dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người, sẽ là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn,
gương mẫu; học và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của
Bác.
Chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch
Hồ Chí minh vĩ đại. Trong những ngày này toàn thể cán bộ và nhân dân xã
Xuân Vinh quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc vận động tiếp tục “Học tập và làm
theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phát huy truyền thống
đoàn kết, năng động, sáng tạo phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ
kinh tế xã hội 2022 và những năm tiếp theo./.